Phân loại xói mòn đất Xói_mòn_đất

Xói mòn đất do gió

Xói mòn tại một sa mạc

Kiểu xói mòn do gió là hiện tượng xói mòn gây ra bởi sức gió. Ðây là hiện tượng xói mòn có thể xảy ra ở bất kì nơi nào khi có những điều kiện thuận lợi sau đây:

  • Ðất khô, tơi và bị tách nhỏ đến mức độ gió có thể cuốn đi (thông thường là đất cát)
  • Mặt đất phẳng, có ít thực vật che phủ thuận lợi cho việc di chuyển của gió
  • Diện tích đất đủ rộng và tốc độ gió đủ mạnh để mang được các hạt đất đi [4]

Nguyên lý:khi tốc độ gió vượt qua một mức độ nhất định sẽ gây xói mòn. Động lực gió tác động lên các bạt đất bề mặt làm chúng lăn, va vào các hạt khác, cứ như thế tiếp tục tạo một dây chuyền. Những hạt đất bị gió cuốn khỏi mặt đất khi rơi xuống tác động mạnh mẽ hơn vào các hạt khác, tạo nên sự kích thích chuyển động. Sự va chạm cơ học đã bào mòn lớp đất mặt.[5]

Ảnh hưởng của xói mòn do gió gây ra khá phức tạp, đất bị chuyển dịch đi có thể dưới các hình thức nhảy cóc, trườn trên bề mặt hoặc bay lơ lửng.[4] Tùy vào tốc độ gió có thể có xói mòn cục bộ, xói mòn thường xuyên. Xói mòn cục bộ xuất hiện khi tốc độ gió <12 – 15 m/s. Lốc bụi: là dạng xói mòn do gió nguy hại nhất, đất bị xói mòn nhanh khi tốc độ gió > 15 m/s. Lốc bụi bốc cả bụi cát, bào mòn 1 vùng này, phủ kín một vùng khác, làm lấp các làng mạc, ruộng vườn.[5]

Xói mòn do nước

Kiểu xói mòn do nước gây ra do tác động của nước chảy tràn trên bề mặt (nước mưa, băng tuyết tan hay tưới tràn), hiện tượng xói mòn do nước gây ra đối với đất sản xuất nông nghiệp thường mạnh nhất ở các bề mặt đất trống, sau khi làm đất chuẩn bị gieo trồng.

Về lý thuyết, xói mòn mặt đất có hai quá trình vật lý cơ bản xảy ra đó là tác động phá vỡ hạt đất và tác động cuốn trôi của dòng chảy. Trong quá trình mưa, khi lực của giọt nước mưa hay dòng chảy tác động lên bề mặt đất sẽ phát sinh ra phản lực. Hai lực đó không cân bằng nhau và thông thường lực tác động của nước lớn hơn lực đề kháng của đất nên đã gây ra xói mòn (Nguyễn Xuân Quát, 1994).

Về nguyên lý, Ellison (1994) đã xác định tác nhân gây xói mòn mạnh nhất là xung lực hạt mưa đập vào mặt đất, đồng thời tác giả đã chia quá trình này thành 3 pha:

  • Pha 1: Tách các hạt đất ra khỏi khối đất
  • Pha 2: Di chuyển các phần tử tách ra đi nơi khác
  • Pha 3: Lắng đọng chúng ở một nơi khác

Nếu hạn chế được pha 1, thì sẽ không xảy ra pha 2 và pha 3.[6]

Dòng chảy của nước có thể tạo ra các rãnh xói, khe xói hoặc bị bóc theo từng lớp, người ta chia kiểu xói mòn do nước gây ra thành các dạng:

  • Xói mòn thẳng là sự xói lở đất, đá mẹ theo những dòng chảy tập trung, ăn sâu tạo ra các rãnh xói và mương xói.
  • Xói mòn phẳng là sự rửa trôi đất một cách tương đối đồng đều trên bề mặt do nước chảy dàn đều, đất bị cuốn đi theo từng lớp, phiến. Khi lớp đất trên bề mặt bị xói mòn thì rất khó khôi phục và những thiệt hại của xói mòn có thể ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức sản xuất của đất. Ví dụ một phép tính đơn giản nếu đất bị xói mòn 1 cm đất thì trên 1 ha đất mất đi 100 m3 đất, tương đương 150 tấn, trong đó có 6 tấn mùn và 1,5 tấn đạm. Trong khi đó, ở vùng nhiệt đới có những nơi xói mòn làm mất 3 cm đất mặt hàng năm. Riêng vùng đồi núi hàng năm bình quân mất đi khoảng 2 cm điều này làm cho đất ở đây bị thoái hóa nhanh chóng. Trên những vùng đất cao, dốc, mưa lớn còn tạo nên những dòng chảy cực đại trên sườn dốc và ngoài việc bào mòn lớp đất mặt chúng còn có khả năng tạo ra những dòng xói hoặc rãnh xói. Có rãnh sâu 5 – 6 m tới tận lớp đá mẹ và làm mất đi hoàn toàn khả năng sản xuất của đất đai.